31 tháng 7, 2012

Chuyến thăm Thầy Phan Văn Mão

Đoàn trực chỉ hướng về Bà Rịa. Vào mùa hè trời thường nắng gắt. Thế mà hôm nay trên đường mát dịu, nên vẻ mặt các thành viên đều không chút mệt mõi, chỉ háu hứt mong đến nhà thầy sớm. Chuyện phiếm lại được tiếp tục như lúc khởi hành …như muốn quên đi thời gian khi phải vượt qua thêm một đoạn đường dài nữa!

Đến 11 giờ 30 xe chở đoàn qua cổng chào để vào thị trấn Bà Rịa. Bây giờ là lúc anh Bình phải chịu trách nhiệm hướng dẫn đến nhà thầy. Dù cố liếc qua, liếc lại, hối thúc tôi dừng lại hỏi thăm nhưng cũng chẳng định hướng được nơi muốn đến. Trên tay địa chỉ nhà thầy Mão, số 493 Võ Thị Sáu có ghi sẳn cũng thừa. Vì theo anh Bình, đã đến nhà thầy vài năm trước mà hiện nay thì đường xá xẻ ngang, dọc như ô cờ. Nhà mới mọc lên san sát nên không dễ để xác định. Thế rồi sau vài chục phút cố gắng hỏi thăm người dân địa phương từng chặng, từng chặng đoàn đến đúng nhà thầy.

Từ ngày có quyết định nâng thị trấn Bà Rịa thành trung tâm hành chính của liên tỉnh Vũng Tàu – Bà Rịa, nhiều tuyến đường mới mở, tuyến cũ được chỉnh trang trông rất khang trang. Nhà thầy Mão cũng nằm trên con đường như thế, chỉ khác khu trung tâm bởi mật độ xây dựng nhà mới nơi đây không nhiều! Tư gia của thầy là một ngôi biệt thự kiểu Mỹ thập niên 1960-1970. Lấp ló sau tán lá xanh trước sân nhà, mái nhà hình "bánh ú" lợp ngói đỏ nhô lên, tường tô đá rửa trắng, điểm đen tựa như kiểu dinh Độc Lập. Khoảng sân chung quanh cũng um tùm không kém nhà thầy Nhâm, lại có phần còn hoang sơ hơn. Nhìn qua có thể đoán chủ nhân đã không còn hứng thú với việc vườn cảnh nữa. Nên cổng chính bằng sắt sơn đen, khóa chặt, dây leo đã bắt đầu chồm lên quấn quanh song cửa.

Theo hướng dẫn của người nhà, các thầy và chúng tôi phải vòng qua con hẻm nhỏ cạnh bên để vào, bằng cổng phụ phía sau. Bước vào đã thấy thầy Mão đứng chờ . Hai cánh tay gầy guộc của thầy phải chống cả vào thành giếng để đở tấm thân khom khom cũng không lấy gì là khỏe mạnh lắm! Mặc dù ẩn dưới lớp áo màu trắng sọc thẳng nếp. Tuyệt nhiên, thầy không cho người nhà đở. Phần nào thể hiện rỏ tính cách “ tự lực” của người Thầy đã 99 tuổi mà mấy ai có được, khi lúc về chiều.


H1(từ trái qua phải):anh Tỷ, Nam, thầy Hùng, Bình, thầy Mão, Lan, thầy Nhâm , Hiếu

Đầu tiên thầy mời tất cả đoàn vào phòng khách phía trong. Môt hành lang độ 3x4 mét, nối nhà phụ phía sau và nhà chính phía trước. Hai bên trống, nhìn đối diện sân, nên thoáng mát. Chắc có lẽ cả ngày thầy ở nơi đây. Trên khoảng vách lưng lửng bằng vải trắng che nắng treo kín các tấm bằng mà thầy được vinh danh trong ngành kỹ thuật.

Sau khi theo lệnh thầy tất cả an vị, lúc này thầy mới bằng lòng cho anh Đỗ Thọ Bình phát biểu mục đích của buổi viếng thăm, trước đó thầy ngắt lời anh mấy lần khi cả đoàn còn đang lao xao, chưa đủ ghế để ngồi…


H2(từ trái qua phải):thầy Hùng, Bình, thầy Mão

Thầy Đỗ Mạnh Hùng nhắc lại chút kỷ niệm khi làm việc cùng thầy với trách nhiệm phụ tá. Cứ thế nhiều chuyện xưa của thầy lúc làm thanh tra cũng được thầy vui vẻ kể. Mà chuyện nhập lộn điểm cho một thí sinh làm thầy rất hứng thú nhắc đi, nhắc lại. Câu chuyện như sau. Trong một lần làm chánh chủ khảo, sau khi chấm điểm xong.
Thầy xướng :
- Hai mốt
Nhân viên phụ trách nhập điểm lại ghi
-Hai mươi bốn
Vô tình thí sinh đó đậu. Đến khi thanh tra đối chiếu với bài thi, thì thầy bị hiểu là có ý xấu, chút nữa đã vào tù (nguyên văn lời thầy). Từ ngày đó, thầy chỉ nói “tư’ chứ không bao giờ nói “bốn”…


H3(từ trái qua phải):Thầy Mão cho xem tấn bia, Lan, thầy Nhâm

Nhưng điều làm cả đoàn bất ngờ nhất là, khi thầy cho xem tấm bia mộ bằng thạch anh trắng đã khắc đầy đủ họ tên và cả hình ảnh thầy, với một vẻ bình tỉnh lạ!!!. Qua lời thầy nói về “còn hay mất”, đến cô Lan phải thốt lên : “ Thầy ơi!.. sao thầy nói chi.. Nghe buồn quá vậy!”. Tôi chợt hiểu trong thâm tâm thầy chấp nhận sự ra đi như là định luật, bất biến. Phải chăng thầy đã lỉnh hội được ý nghĩa sâu xa giáo lý của nhà Phật. Tuy nhiên, tôi vẫn mong thầy sẻ vượt qua cột mốc 100 thật dễ dàng, vì tâm thầy rất thanh thản không e ngại việc sinh hay tử. Chỉ có sinh hoạt hàng ngày là không tránh khỏi vất vả như mọi cụ cao tuổi khác. Hiện nay hai tai và hai mắt của thầy gần như không còn nghe hay nhìn rỏ nữa. Nên khi trò chuyện cần phải “hét” sát vào tai thì thầy mới nghe được chút ít, còn hình ảnh thì lờ mờ không nhận ra ai. Duy chỉ tiếng nói thì còn sang sảng như các lần phát biểu cảm tưởng, khi thầy vào Sàigòn dư lể tri ân đầu năm cùng chúng tôi.


H4(từ trái qua phải):anh Bình phải “hét” vào tai thầy Mão mới nghe


H5(từ trái qua phải):anh Tỷ, Nam, thầy Hùng


H6(từ trái qua phải):Lan và thầy Nhâm


H7(từ trái qua phải):anh Bình kính biếu thầy món quà nhỏ


H8(từ trái qua phải):cô Lan trao thầy món quà của chs tại San Jose

Nhân buổi trưa thầy cố nài đoàn ở lại ăn cơm chung nhưng vì đã hẹn trước với bạn Hiệp (chs 71-76) ở Phước Thuận- Xuyên Mộc. Vã lại cần để thầy nghỉ sớm, nên tất cả cùng chúc sức khỏe và trước đó không quên gởi đến thầy chút quà kỷ niệm của anh em trong nước, do anh Bình đại diện, cũng như của các bạn chs Cao Thắng San-Jose (Hoa Kỳ) nhờ cô Lan trao giúp.


H9(từ trái qua phải):
Hàng ngồi: thầy Hùng, thầy Mão, thầy Nhâm
Hàng đứng: chú Sơn (hội người cao tuổi), Bình, anh Tỷ, Nam, Hiếu, Thoại Vân, Lan
chụp ảnh lưu niệm với các Thầy trước khi ra về


Lên xe ra đi, các thành viên đều bùi ngùi, thương cho người thầy mà không biết mai đây ra sao ? Dẫu rằng ai cũng hiểu "đời chỉ là cỏi tạm".

Ghé lại nhà thầy chưa đầy một tiếng, đoàn lại lên đường xuôi về Xuyên Mộc cách Bà Rịa hơn 30 km. Địa danh mà trước tháng 4-1975 được liệt vào vùng mất an ninh, ít ai biết đến.

Xem bài tường thuật:
1./Thăm Thầy Nguyễn Văn Nhâm
3./Thăm nhà bạn Hiệp
***
Video clip: "Thăm Thầy Phan Văn Mão"



Nguyễn văn Hiếu

30 tháng 7, 2012

Tường thuật “chuyến thăm Thầy Nguyễn văn Nhâm”

Đoàn chúng tôi khởi hành từ Sài gòn, lúc 6 giờ sáng ngày Chủ Nhật 29-7-2012. Trong cơn mưa rỉ rả suốt đêm hôm trước cho đến tận hôm nay. Mặc dù việc tổ chức “chuyến đi thăm Thầy” có phần vội vã trong thời gian 5 ngày, nhưng may mắn nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của các anh chị em cựu học sinh khi được liên lạc .Nên mọi việc khởi sự tốt đẹp như dự định.

Trong đoàn gồm Thầy Đỗ Mạnh Hùng (đại diện các Thầy), Anh Trần Tỷ (chs 1962-1969). Anh Đỗ Thọ Bình ( ban liên lạc), Anh Nam (chs 1970-1975), tôi (Hiếu/chs 1971-1975), hai cô đại diện lớp nữ 10CT5 (chs 1974) Thoại Vân và Nguyễn Thị Lan (Lan B). Rất tiếc dù nhận lời mời trước, nhưng cả Thầy Lê Văn Thống và Thầy Nguyễn Văn Hội không đi cùng đoàn trong thời điểm này.

Hình 1 (từ trái qua phải): Anh Tỷ, Nam, Thầy Hùng, Hiếu, Vân, Bình, Lan, Tân


Hình 1a (từ trái qua phải):Bình, anh Tỷ, Hiếu, Tân, Nam, thầy Hùng, Vân, Lan


Trên xe thầy trò chuyện trò vui vẻ, nhắc lại chút về kỷ niệm vui buồn của các Thầy với nhau hay với học sinh, thật thân mật, chân tình…

Thăm thầy Nguyễn Văn Nhâm (GS Toán)

Do ghé vào nhà Tân (khu sân golf Thủ Đức) nhấm nháp caffé lại thêm ảnh hưởng của cơn mưa, nên mãi đến gần 9 giờ, đoàn mới vào đến địa phận tỉnh Long Hải. Lúc đó thầy Nguyễn Văn Nhâm đã chờ sẳn trước nhà thờ giáo xứ Chu Hải hướng dẫn vào thăm nhà thầy. Rẻ vào con hẻm nhỏ trên QL 51 cạnh nhà thờ đến gần chân núi “Ông Trịnh” là ngôi nhà nhỏ của Thầy Cô. Có lẽ nhiều năm rồi tường bao ngoài chưa được quét vôi mới nên trông rỏ lớp vôi bong tróc bị bám rêu xanh vì mưa nắng.

Bao quanh nhà một khu vườn , nhiều loại cây ăn trái . Theo thầy dù có chăm sóc nhưng với tuổi gần 80 của thầy cũng chỉ làm được thế! Nên vườn cây tuy rông (1/2 mẫu) cũng chẳng đem về cho thầy cô thêm lợi ích gì... ngoài không khí trong lành, yên tĩnh đề nghỉ dưỡng lúc tuổi già.

Hình 2 (từ trái qua phải):Bình, Hiếu, Thoại Vân, Lan, cô thầy Nhâm, anh Tỷ, thầy Hùng, Nam


Hình 3 ( từ trái qua phải): Hiếu, thầy Nhâm, Bình,Nam


Hình 4: Khu vườn nhà thầy Nhâm gần chân núi "Ông Trịnh" tỉnh Long Hải


Hình 5: Lan và cô Nhâm sau vườn


Tay bắt, mặt mừng thầy trò vui vẻ chuyện trò. Thầy Nhâm không dấu được cảm động, nhiệt tình mời thầy Hùng và các chs nhanh chóng vào bàn. Cô thì lui cui sau bếp tất bật pha trà đải khách. Nhiều năm xa trường nên, qua tên “thầy Nhâm” hai cô Vân, Lan vẫn thấy xa lạ, không ấn tượng lắm trước lúc lên đường. Đến khi thầy trò gặp nhau chuyện trò, mới nhận ra vị giáo sư toán từng trực tiếp giảng dạy lớp mình. Hai cô hấp tấp tranh nhau nhờ tôi bấm máy ghi lại hình ảnh đáng nhớ này. Chả trách hai cô, vì ai chẳng biết rằng giờ toán rất” khó nuốt”, nhất là với các cô bạn nhỏ!

Hình 6 (từ trái qua phải): Lan, thầy cô Nhâm, Vân


Hình 7 (từ trái qua phải): Vân, thầy Nhâm, Lan

Với chút bánh mì, thịt nguội mang theo và thức ăn Cô đã âm thầm chuẩn bị từ trước. Thế là có một buổi ăn sáng ngay tại nhà thầy. Danh xưng điểm tâm nhưng it rượu pha dâu tầm cô mang ra cũng lẩn lượt vơi đi…cho đến cạn. Hết rồi! Nam vẫn còn tắm tắt khen ngon! Nên cô sẳn lòng pha thêm chai nhỏ làm quà mang theo trên đường thiên lý. Và cũng không quên một chai "cốt dâu tằm" nhờ biếu thầy Mão. Trong khi ăn cô Lan lớp nữ đại diện CHSCT San-Jose có chút quà nhỏ kính biếu thầy cô nhân buổi hội ngộ.







Ăn uống nghỉ ngơi xong, hơn 10 giờ, sau khi cảm ơn và chào thầy cô đoàn tiếp tục lên đường. Thầy Nhâm vui vẻ nhận lời mời tháp tùng đoàn ra Bà Rịa thăm thầy Mão. Vị giáo sư cao niên nhất của trường hiện nay.

Xem tường thuật tiếp bài sau:
2./Thăm Thầy Phan Văn Mão.
3./Thăm Nhà Bạn Hiệp
***
Video clip " Thăm thầy Nhâm"


Nguyễn văn Hiếu

26 tháng 7, 2012

“Sát thủ” hacker đỏ

Trung Quốc đã xây dựng được một đội “hacker đỏ” chuyên nghiệp, mối đe dọa có sức phá hoại tương đương một mạng lưới điệp viên dày đặc, mà xét cho cùng có khi lại hiệu quả hơn sử dụng điệp viên. Bởi lẽ thay vì phải chi hàng tỉ đô la cho việc đào tạo gián điệp, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật cao thì hoàn toàn có thể làm mọi thứ chỉ qua mạng.


Hai tác giả Peter Navarro và Greg Autry đưa ra một loạt lời buộc tội: “Những “tin tặc đỏ” đã xâm nhập vào mạng của NASA, Lầu Năm Góc, Ngân hàng Thế giới; tấn công Phòng Công nghiệp và An ninh trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ dữ dội đến mức cơ quan này phải phá bỏ hàng trăm máy tính; xóa sạch mọi ổ cứng của dự án Máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-35; và gần như ném bom rải thảm hệ thống kiểm soát không lưu của Không lực Hoa Kỳ”.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2008, hacker đỏ của Bắc Kinh còn đột nhập vào máy chủ email của cả phe Obama lẫn phe McCain và Nhà Trắng. “Tại một trong những sự vụ trơ trẽn nhất trong lễ tân ngoại giao, máy tính của bộ trưởng Thương mại Mỹ và một số nhân viên đã bị đánh cắp, bị cài đầy phần mềm gián điệp, nhân một chuyến công du của bộ trưởng tới Bắc Kinh”.

Cuốn sách đưa ra những lời buộc tội có thể khiến người đọc… ù tai. Chẳng hạn, nói về một chiêu thức hành nghề của tin tặc thời hiện đại: Thời xưa, ngành tình báo phải sử dụng tới mỹ nhân kế như Mata Hari để moi thông tin từ “đối tác”. Thời nay, “ngoài những gái điếm và các phòng khách sạn đầy “bọ” (thiết bị nghe trộm - PV) ở Thượng Hải, các điệp viên Trung Quốc còn tặng cho con mồi của họ thẻ nhớ đầy virus, thậm chí cả camera kỹ thuật số. Theo Cục Tình báo MI5 của Anh, một khi được gắn vào máy tính của nạn nhân, những thiết bị này sẽ cài đặt ngay phần mềm cho phép hacker giành quyền kiểm soát”.

Làm hacker cũng giống một ngôi sao nhạc rock

Death by China đưa ra một số lý giải, có lẽ khá đơn giản, về mục tiêu hành động của tin tặc Trung Quốc. Cuốn sách cho rằng hacker đỏ muốn làm gián đoạn hoạt động của các trang web ở phương Tây, bằng cách đánh sập hoặc tấn công từ chối dịch vụ. Ngoài ý muốn phá hoại, hacker đỏ cũng nhắm đến việc ăn cắp những thông tin có giá trị như số thẻ tín dụng, thông tin cá nhân hoặc hơn thế: Bí quyết công nghệ, bí mật thương mại, hồ sơ mời thầu và dự thầu, tình hình tài chính của một công ty nào đó, rồi thông tin về vũ khí, quân sự.

Nhưng đó mới là bề nổi, tức là mục tiêu mà các hacker hướng đến. Còn bản chất của việc họ hành động như thế lại là chuyện khác. Navarro và Autry trích dẫn một trao đổi trên diễn đàn hội thảo về an ninh thông tin của hacker Trung Quốc. Hỏi: “Khi nào chúng ta tiến hành hack?”. Đáp: “Nếu đó là vấn đề có ảnh hưởng tới chúng ta trên bình diện quốc tế, thì khi ấy chúng ta sẽ huy động các thành viên tổ chức tấn công”.

Câu trả lời hé lộ một phần nguyên nhân của hiện tượng tin tặc: Đó là tinh thần dân tộc bị đẩy tới mức cực đoan ở một bộ phận người dân Trung Hoa. Death by China trích lời một chuyên gia về tin tặc Trung Quốc, ông Scott Henderson, nói rằng ở nước này, làm hacker “cũng giống như làm ngôi sao nhạc rock”, đó là “một sự nghiệp mà có đến một phần ba trẻ em tuổi đi học ở Trung Quốc mơ ước”.

Có bàn tay chính quyền phía sau?

Phần gây tranh cãi nhất của chương này có lẽ nằm ở những khẳng định rằng chính quyền Trung Quốc đứng sau các chiến dịch tấn công trên mạng. Lập luận của hai tác giả cuốn sách là: Không thể có chuyện hacker hoạt động mà không có bàn tay dẫn dắt của Bắc Kinh, nhất là khi chính quyền Trung Quốc vốn có chế độ kiểm soát Internet ngặt nghèo nhất thế giới. Không hacker nào có thể thoát khỏi tay chính quyền một khi cơ quan an ninh và cảnh sát đã muốn bắt và xử lý. Ví dụ một hacker ở tỉnh Hồ Bắc can tội đột nhập vào website của cơ quan nhà nước và thay ảnh chân dung một quan chức bằng ảnh cô gái mặc bikini. Người này nhanh chóng bị bắt và kết án 1,5 năm tù. Vụ việc đã được đăng tải trên tờ Nhân Dân Nhật Báo.

Trong khi đó thì rất nhiều vụ tin tặc nghiêm trọng khác lại không được điều tra. Navarro và Autry dẫn ra một loạt trường hợp hacker Trung Quốc tấn công mạng nước ngoài và hành động của họ hoàn toàn có thể làm phương hại quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và nước nạn nhân, vậy mà họ vẫn không bị trừng trị. Ví dụ như khi Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đi thăm ngôi đền chiến tranh Yasukuni, hacker Trung Quốc đã xóa website của ngôi đền này, ghi đè lên đó hàng chữ: “Gái đái lên toilet Yasukuni”. Còn khi Liên hoan Phim Melbourne ở Úc chiếu phim tài liệu về một nhà lãnh đạo người Duy Ngô Nhĩ, hacker Trung Quốc đánh phá website của liên hoan phim dữ dội đến mức ban tổ chức không bán được vé qua mạng. Một số nhóm tin tặc như Liên đoàn Hắc khách Trung Quốc (China Hacker Union) được cho tồn tại và hoạt động công khai, thậm chí mở cả văn phòng.

Bạn đọc có thể thấy lập luận buộc tội của Death by China chưa đủ thuyết phục, vì dù sao đi nữa, “án tại hồ sơ” song cuốn sách lại không chỉ ra được một bằng chứng mạnh mẽ nào cho thấy mối liên hệ giữa chính quyền và hacker Trung Quốc, chẳng hạn một chủ trương bằng văn bản chính sách…

Tuy vậy, việc cảnh giác với những tin tặc bị kích động bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan vẫn luôn là điều cần thiết, nhất là khi Việt Nam có nguy cơ là đích ngắm của tội phạm mạng: Năm 2010, một báo cáo của Công ty An ninh mạng McAfee cho thấy 58% tên miền cấp 1 .vn đã trở thành mục tiêu của hacker. Trong khoảng hai ngày 8 và 9-6-2011, hàng loạt website ở Việt Nam đã bị hacker Trung Quốc đánh phá, trong đó có các trang web của Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa (HSO), Anh Ba Sàm, và Trung tâm biên phiên dịch quốc gia trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam. Tháng 8-2011, McAfee xác định “cơ quan chính phủ Việt Nam nằm trong số 72 tổ chức chính phủ trên thế giới là mục tiêu của đợt tấn công lớn nhất mà tin tặc tiến hành để lấy dữ liệu mạng, được McAfee phát hiện”.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao khi đó, bà Nguyễn Phương Nga, cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm đến những thông tin mà McAfee đưa ra. (…) Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực hợp tác cùng cộng đồng quốc tế phòng, chống các hành vi phá hoại an ninh mạng”.

* * *


Tháng 5-1999, trong chiến dịch NATO tấn công Nam Tư, máy bay Mỹ ném bom trúng Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade, làm chết ba công dân Trung Hoa. Hàng ngàn email từ Trung Quốc đã “dội bom” làm sập website của Nhà Trắng. Tin tặc cũng chiếm website của Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, chèn lên trang chủ dòng chữ “đả đảo bọn man rợ”. Tháng 3-2008, hãng tin CNN (Mỹ) đưa tin về bạo loạn ở Tây Tạng. Ngay sau đó website của CNN bị phá và ghi đè dòng chữ “Tây Tạng đã, đang và sẽ luôn luôn là một phần của Trung Quốc”. (Wikipedia)

Đoan Trang (trích Death by China)

18 tháng 7, 2012

PHÂN ƯU

Hay tin trễ
Thân Mẫu của Thầy TRẦN PHÁT LẠC
( Cựu Giáo Sư Kỹ Nghệ Họa Trường THKT Cao Thắng Saigon )

Cụ Bà ĐINH THỊ TƯ
( sinh năm 1921 tại Cần Thơ
)

Vừa thất lộc tại tư gia số 109 đường số 1 Cư xá Đô Thành
Quận 3 - Saigon lúc 19 giờ ngày 15 - 7 - 2012
Thượng thọ 92 tuổi .

Lễ nhập quan lúc 08 giờ ngày 16 - 7 - 2012
Lễ động quan lúc 13 giờ ngày 17 - 7 - 2012
Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa .



BLL cựu học sinh xin thành kính chia buồn cùng Thầy Lạc và tang quyến .
Cầu nguyện cho hương linh Cụ Bà được nghỉ yên nơi
cõi niết bàn .

15 tháng 7, 2012

Cam Bốt bị tố cáo chiều ý Trung Quốc để phá hoại ASEAN

Ngoại trưởng Cam Bốt Hor Namhong trong lễ bế mạc hội nghị ASEAN (Reuters)

Trong lịch sử ASEAN, chưa bao giờ một Hội nghị cấp Ngoại trưởng của khối lại không ra được một bản Tuyên bố chung cuộc để đúc kết tiến trình đàm phán, thảo luận. Thế nhưng điều không thể tưởng tượng nổi đó đã xẩy ra tại các Hội nghị ASEAN tại Phnom Penh, vừa kết thúc hôm qua, 13/07/2012. Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, giáo sư Carl Thayer đã cho rằng Phnom Penh đã phá hoại nghiêm trọng uy tín của ASEAN.

Nguyên nhân chính là do có bất đồng không thể giải quyết giữa Philippines và Cam Bốt liên quan đến Biển Đông. Chính quyền Manila muốn ghi tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc tại bãi đá Scarborough vào trong bản Tuyên bố chung, một đề nghị đã bị Cam Bốt, trong tư cách là chủ tịch luân phiên ASEAN bác bỏ. Bất chấp các đề nghị thỏa hiệp, cả hai bên đều không thay đổi ý kiến, và Cam Bốt quyết định là Hội nghị sẽ không có được tuyên bố chung.

Trả lời phỏng vấn của ban Việt ngữ RFI, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc đã phê phán thái độ của Cam Bốt cho rằng Phnom Penh đã phá hoại nghiêm trọng uy tín của ASEAN. Ông phân tích như sau :

Hành động của Cam Bốt trong tư cách Chủ tịch ASEAN đã xóa nhòa sự phân biệt giữa Cam Bốt, một trong 10 thành viên của ASEAN và Cam Bốt, Chủ tịch ASEAN. Lần đầu tiên trong lịch sử của Hiệp hội Đông Nam Á, các ngoại trưởng đã phải cùng nhau làm việc trên một chương trình nghị sự rất nặng nề nhưng lại bị mất đi phương tiện truyền thống để công bố các quyết định của mình, vì cho đến nay, Bản Tuyên bố chung của Chủ tịch ASEAN có mục tiêu ghi lại các quyết định của toàn khối.

Tình hình bắt nguồn từ hành động của Cam Bốt đã đẩy ASEAN vào một tình thế chưa từng thấy. Trang web của Ban Thư ký ASEAN hoàn toàn im hơi lặng tiếng lặng về những vấn đề này.

Nói cách khác, sau một tuần thảo luận một loạt các vấn đề - không chỉ là vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) mà thôi – cả khu vực và phần còn lại của thế giới đều không biết được là ASEAN đã quyết định những gì. Đây là một đòn nghiêm trọng đánh vào vị thế và uy tín quốc tế của ASEAN.

Có thể coi là trách nhiệm về việc ASEAN không đạt được đồng thuận hoàn toàn thuộc về Cam Bốt. Ghi nhận của những người có mặt tại Phnom Penh cho thấy rằng chính Cam Bốt trong vai trò chủ tịch đã tỏ ra bướng bỉnh và không khoan nhượng. Họ liên tục cảnh cáo rằng sẽ không có Tuyên bố chung để hăm doạ Philippines. Ngay cả khi Indonesia đứng ra làm trung gian để tìm ra một thỏa hiệp, Cam Bốt cũng không chịu nhúc nhích, và bỏ ngang cuộc họp.

Rất có thể là tranh cãi về các từ ngữ trong bản Tuyên bố chung sẽ lan qua và gây nhiễu cho tiến trình đàm phán giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc trên một bộ Quy tắc Ứng xử (tại Biển Đông). Cam Bốt đã lộ mặt như là một “con ngựa kềm bước” giúp Trung Quốc. Điều này sẽ làm cho đàm phán về một bộ Quy tắc Ứng xử COC chung cuộc với Trung Quốc khó khăn hơn. Chắc hẳn là Philippines, và có thể là một số nước ASEAN khác, sẽ không còn tin tưởng Cam Bốt trong việc giữ kín các lập trường đàm phán bí mật của họ.

Định hướng đối ngoại của ASEAN đến nay đi theo hai chủ trương. Đầu tiên hết là ASEAN cần duy trì quyền tự chủ của khu vực, chống việc các cường quốc ngoài khối xen vào công việc nội bộ của minh. Kế đến, ASEAN nhấn mạnh đến khẳng định vai trò “người cầm lái” hoặc là nhân tố trung tâm của kiến trúc an ninh khu vực. Hành động của Cam Bốt cho thấy rõ ràng là sự thống nhất và gắn kết của ASEAN, công cụ giúp khối này cách ly với thế lực bên ngoài, đã bị sứt mẻ nặng nề. Không những Trung Quốc đã xâm nhập được vào trong ASEAN, mà họ đã làm được như vậy thông qua đại diện là Cam Bốt. Điều đó sẽ tác động tiêu cực đến vai trò “người cầm lái” của ASEAN.


Đối với Giáo sư Thayer, hành động của Cam Bốt đã làm xóa bỏ sự tin tưởng lẫn nhau trong khối, gây trở ngại cho ASEAN trong nỗ lực tiến tới một Cộng đông vào năm 2015.
Hành động của Cam Bốt sẽ đầu độc các hoạt động của ASEAN từ nay cho đến tháng Mười một, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan sẽ được tổ chức.

Cam Bốt đã mất đi vai trò trung lập của họ với tư cách là Chủ tịch ASEAN, và một số thành viên ASEAN sẽ nghi ngờ sự điều hành của Cam Bốt trong phần còn lại của năm 2012 này.

Hiện nay đã có một vết rạn thực thụ trong sự thống nhất của ASEAN, và vết này có thể trở thành một kẽ nứt và cản trở việc thành lập Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, vốn là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, dự kiến có hiệu lực vào năm 2015. Tình trạng rắc rối vừa qua làm tăng khả năng ASEAN bị tách thành hai nhóm : các quốc gia lục địa và các quốc gia duyên hải và hàng hải.

Nếu ASEAN muốn trở thành một cộng đồng, họ phải có được một "nhận thức về chúng ta", rằng các thành viên chia sẻ với nhau nhiều điểm chung hơn là với các cường quốc bên ngoài. Nền an ninh của ASEAN phải được xem như là không thể chia cắt. Hành động của Cam Bốt trong tuần này cho thấy là nhận thức về một Cộng đồng ASEAN rất là mong manh.


Trọng Nghĩa (RFI)

10 tháng 7, 2012

Người TQ mua cả trăm hecta đất Bình Thuận

TT - UBND tỉnh Bình Thuận vừa kiểm tra và phát hiện việc đầu tư cả trăm hecta đất trồng thanh long không đúng quy định pháp luật của một nhà đầu tư Trung Quốc.


Mặt bằng đã chuyển từ đất lúa sang đất kinh doanh của Công ty Nguyên Long Sơn - Ảnh: Trần Lệ Hoa

Theo hồ sơ, cuối năm 2011, ông Zhong Heng Shan (quốc tịch Trung Quốc, chủ tịch hội đồng thành viên kiêm giám đốc Công ty TNHH Nguyên Long Sơn thuộc Tập đoàn Nguyên Hinh, Thâm Quyến, Trung Quốc) ký hợp đồng sang nhượng 100ha đất nông nghiệp tại xã Hàm Chính (huyện Hàm Thuận Bắc) và gần 10.000m2 cạnh quốc lộ 1A thuộc xã Hàm Đức (huyện Hàm Thuận Bắc) của ông Phạm Phú Thạnh. Trong khi việc sang nhượng đất chưa hoàn tất và đang có tranh chấp thì ông Zhong có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận xin phép nhập máy móc, thiết bị sản xuất trên diện tích đất này.

Từ tranh chấp hợp đồng với người Việt Nam

Theo văn bản gửi UBND tỉnh nhờ “can thiệp”, ông Zhong cho biết cuối năm 2011 khi ký hợp đồng với ông Phạm Phú Thạnh, nguyên giám đốc và hiện là thành viên góp vốn trong Công ty Nguyên Long Sơn, ông Zhong đã chuyển 13,5 tỉ đồng cho ông Thạnh. Tuy nhiên đến nay ông Thạnh chưa giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng như đã ký kết.

Vì vậy, Công ty Nguyên Long Sơn đề nghị tỉnh Bình Thuận can thiệp và cho phép họ trồng thanh long trên diện tích 100ha ở Hàm Chính và được xây văn phòng, nhà xưởng trên diện tích đất đã mua tại Hàm Đức. Đồng thời cho phép được nhập máy móc, thiết bị về để sản xuất, chế biến thanh long.

Tuy nhiên theo ông Thạnh, tính đến tháng 7-2012 ông chỉ mới nhận từ ông Zhong 10,5 tỉ đồng và đã giao toàn bộ giấy tờ đất đai mà ông đã ký kết đứng ra mua giúp cho ông Zhong. Chưa hết, để “nắm đằng cán”, ngày 27-2 ông Zhong và luật sư của mình đã yêu cầu ông Thạnh ký một hợp đồng vay vốn khống 4,5 tỉ đồng (lãi suất 0%) trong số tiền 10,5 tỉ đồng đã chuyển, tương đương với 5% vốn góp trong công ty. Đổi lại, ông Thạnh phải thế chấp 11 sổ đỏ có diện tích hơn 75.000m2 và giấy tờ nhà đất văn phòng công ty tại Hàm Thuận Bắc.

Lòi ra chuyện đầu tư “chui”

Việc lập hợp đồng vay vốn khống này nhằm buộc ông Thạnh sau khi lo được giấy chứng nhận đầu tư phải chuyển cổ phần mới lấy lại được giấy tờ đã thế chấp mà ông đứng tên góp vốn trong công ty trên danh nghĩa, nhằm che mắt việc giúp ông Zhong đầu tư “chui” vào Việt Nam.

Theo hồ sơ, ngày 30-12-2011, ông Phạm Phú Thạnh thành lập Công ty TNHH Nguyên Long Sơn với vốn điều lệ 90 tỉ đồng. Trong đó, ông Thạnh làm giám đốc với số vốn góp 20% (18 tỉ đồng) và ông Vũ Duy Tám (quê Bắc Giang) góp 72 tỉ đồng còn lại. Hai tháng sau (ngày 28-2), công ty này đã đăng ký thay đổi lần đầu vẫn giữ nguyên tên công ty, vốn điều lệ nhưng thêm hai thành viên là ông Huang Bi Qiu (ngụ Quảng Tây, Trung Quốc) góp 30% vốn (27 tỉ đồng) và ông Zhong Heng Shan góp 60% vốn (54 tỉ đồng). Lúc này công ty chuyển sang cho ông Zhong làm giám đốc. Riêng ông Thạnh và ông Tám mỗi người chỉ còn 5% vốn (4,5 tỉ đồng).

Sau khi đưa hai người nước ngoài vào công ty để nắm giữ toàn bộ số vốn, cá nhân ông Thạnh và ông Tám chỉ còn lại một số vốn “tượng trưng” ít ỏi. Lúc này, Công ty TNHH Nguyên Long Sơn hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của ông Zhong. Từ đây, ông Thạnh lại ký hợp đồng chuyển nhượng số đất nông nghiệp trên 100ha mà mình đã gom trước đó cho ông Zhong để ông này đầu tư trồng thanh long, xây dựng nhà xưởng chế biến.

Tuy nhiên theo hồ sơ, với diện tích hơn 10.000m2 nằm sát quốc lộ 1A ngay ngã ba Tà Zôn (xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc) là đất lúa hai vụ, không được chuyển đổi mục đích khác (theo nghị định 42 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và pháp luật đất đai hiện hành). Vì vậy theo hợp đồng, ông Thạnh phải có trách nhiệm “chạy” chuyển đổi sang đất kinh doanh để ông Zhong làm nhà xưởng chế biến thanh long. Ngày 26-12-2011, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã cho chuyển đổi số diện tích ruộng lúa này sang đất kinh doanh, công ty đã ào ạt san lấp mặt bằng ngay sau đó.

Sau khi dùng thủ thuật đưa tên hai người Trung Quốc vào để chuyển nhượng công ty, ông Thạnh đã giao hồ sơ và con dấu cho ông Zhong. Chính sự thay đổi và đưa thêm hai người nước ngoài vào công ty nên UBND tỉnh không đồng ý cấp giấy chứng nhận đầu tư bởi công ty lúc này có yếu tố người nước ngoài. Chưa hết, theo quy định của UBND tỉnh Bình Thuận, việc nhà đầu tư muốn xây dựng nhà xưởng thì sau khi được cấp giấy phép đầu tư phải tập trung vào các khu công nghiệp để sản xuất, chế biến. Từ việc đầu tư “chui” đến việc bán đất nông nghiệp cho người nước ngoài bị phát hiện nên phi vụ này đang có nguy cơ bị đổ vỡ. Cơ quan an ninh kinh tế Công an tỉnh Bình Thuận đã vào cuộc điều tra làm rõ.

Ông Zhong mời 9 cán bộ Bình Thuận đi Trung Quốc

Khó hiểu hơn là trong thời gian phi vụ này đang lùm xùm thì có đến chín cán bộ, trong đó có phó giám đốc Sở NN&PTNT cùng phó chánh văn phòng, giám đốc trung tâm trực thuộc sở này cùng bí thư, phó chủ tịch, trưởng phòng nội vụ, giám đốc Ban quản lý dự án huyện Hàm Thuận Bắc nhận lời mời của Tập đoàn Nguyên Hinh sang Thâm Quyến, Trung Quốc để “học tập kinh nghiệm”. Theo báo cáo của Công ty Long Nguyên Sơn do ông Zhong ký thì sau chuyến “học tập kinh nghiệm” này, các thành viên trong đoàn công tác đã hướng dẫn ông làm đơn đề đạt những nguyện vọng được đầu tư ở Bình Thuận vì công ty đã lỡ “cầm đèn chạy trước ôtô”.

MINH LUẬN - TR.L.HOA
Nguồn: Tuổi Trẻ online

3 tháng 7, 2012

Ý đồ biến biển của Việt Nam thành “vùng tranh chấp”

Khu vực 9 lô dầu khí mà PetroVietnam đang thăm dò khai thác và Trung Quốc đang mời thầu không phải là khu vực tranh chấp. Nó nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Câu hỏi có thể đặt ra là, vậy Trung Quốc căn cứ vào đâu để công khai mời thầu quốc tế ở địa điểm này?

Câu trả lời là: Trung Quốc căn cứ vào đường lưỡi bò mà họ đơn phương đưa ra và muốn cả thế giới phải công nhận.

Bản đồ những lô dầu khí mà Trung Quốc đang mời chào, công bố trên website của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC), cho thấy, cả 9 lô đều nằm trong vùng biển thuộc đường lưỡi bò, và dọc theo đường 9 đoạn “tai tiếng” này.

Bản đồ 9 lô dầu khí CNOOC mời đấu thầu khai thác

Trong thông báo của mình, đăng trên mạng ngày 23-6, CNOOC tuyên bố: “Hiện nay, 9 lô dầu khí trải dài trên diện tích 160.124,38 km2 đang được mở ngỏ cho các hoạt động hợp tác thăm dò và khai thác giữa CNOOC và các công ty nước ngoài. Xin mời tham khảo vị trí của các lô trong bản đồ đính kèm: Bản đồ Vị trí các lô mở trong vùng biển thuộc quyền tài phán của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, dành cho hoạt động hợp tác với nước ngoài trong năm 2012”. Tiếp sau đó là phần mô tả địa điểm và diện tích của từng lô, thủ tục để bắt đầu tiến hành hợp tác, và thông tin về địa chỉ liên hệ.

Trái với UNCLOS

Trước hành động đó của CNOOC, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), đã tuyên bố ngày 27-6: “Đây là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế”. PVN “cực lực phản đối và yêu cầu CNOOC hủy bỏ ngay hoạt động mời thầu, nghiêm túc tuân thủ thỏa thuận về những nguyên tắc giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982”.

Văn bản quan trọng mà Trung Quốc vi phạm là UNCLOS 1982, ra đời ngày 10-12-1982, mà Trung Quốc ký phê chuẩn và tham gia vào ngày 7-6-1996. Với việc đưa ra đường lưỡi bò để đòi chủ quyền đối với 75% diện tích biển Đông, Trung Quốc đã hành xử một cách “phi UNCLOS”. Chẳng hạn, kèm với tấm bản đồ đường lưỡi bò được công bố chính thức lần đầu tiên ra thế giới ngày 7-5-2009, Bắc Kinh chỉ nói chung chung rằng họ “có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo trong biển Đông và các vùng biển lân cận; có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan cũng như đáy biển và lòng đất của những vùng biển này”. Nhưng họ không hề xác định tọa độ, phạm vi cho “vùng biển lân cận”, “vùng biển liên quan”, và cũng không dùng tới các thuật ngữ của UCNLOS, như nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa… để định nghĩa “biển” của họ.

Đã ký phê chuẩn UNCLOS, nhưng lại đưa ra yêu sách hoàn toàn phi UNCLOS, và rồi công khai mời thầu những lô dầu khí trong một vùng biển nghiễm nhiên cho là của mình – những hành động đó cho thấy sự mâu thuẫn, lật lọng trong chính sách của Trung Quốc trên biển Đông.

Điều nguy hiểm cho Việt Nam

Việc dựng ra một đường lưỡi bò không tọa độ, rồi mời thầu trong vùng biển nằm trong ranh giới lưỡi bò là hành động vi phạm UNCLOS 1982 thấy rõ. Nhưng bên cạnh đó, rất có thể Trung Quốc còn có những ý đồ kín đáo hơn.

Ngày 27-6, học giả Mỹ Matt Taylor Fravel, Giáo sư khoa học chính trị, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã có bài viết trên tờ The Diplomat, trong đó, ông nhận định: “Không như các lô mà CNOOC mời thầu trong năm 2010 và 2011, các lô mới này (9 lô dầu khí đang được Trung Quốc chào mời) nằm hoàn toàn trong vùng tranh chấp trên biển Đông. Như bản đồ (đăng tải trên website của CNOOC) cho thấy, các lô này nằm ngoài khơi bờ biển miền Trung của Việt Nam, trải rộng hơn 160.000 km2. Rìa phía tây của một số lô có vẻ như nằm cách bờ biển Việt Nam không đầy 80 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Tất cả các lô đều chồng lấn ít nhất là một phần với (các lô) của PetroVietnam, kể cả những điểm có tiềm năng dầu khí, mà các công ty nước ngoài đang tiến hành hoạt động thăm dò”.

GS. Matt Taylor Fravel cũng viết: “Có lẽ các công ty nước ngoài ít có khả năng hợp tác với CNOOC để đầu tư ở các lô đang tranh chấp. Tuy nhiên, hành động của CNOOC rất có ý nghĩa, vì một số lý do. Việc tuyên bố mời thầu cho thấy một bước đi mới trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố quyền chủ quyền tại vùng biển này. Chẳng hạn, mới tuần trước thôi, Trung Quốc đã nâng địa vị hành chính của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ cấp huyện lên cấp vùng, thuộc tỉnh Hải Nam”.

“Việc một công ty nhà nước của Trung Quốc chào mời các lô dầu khí không chỉ củng cố quyền tài phán mà Trung Quốc đòi hỏi, mà còn tăng cường cơ sở pháp lý cho các lập luận của Trung Quốc phản bác mọi hoạt động của Việt Nam tại vùng biển này. Trong quá khứ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản đối các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam, với lưu ý rằng rằng chúng diễn ra trong vùng biển của Trung Quốc. Giờ đây thì Trung Quốc có thể khẳng định là những hành động đó vi phạm luật pháp của Trung Quốc trong lĩnh vực khai thác tài nguyên”.

Nghĩa là, mặc dù thừa nhận rằng “một số lô… nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế” của Việt Nam, nhưng GS. Fravel cũng đã mặc nhiên coi đây là khu vực chồng lấn, tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nói cách khác, Bắc Kinh đã phần nào thành công trong việc biến vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thành vùng tranh chấp. Từ đây, đi đến quan điểm “gác tranh chấp, cùng khai thác”… biển của Việt Nam chỉ là một bước ngắn.

* * *

Đoan Trang

2 tháng 7, 2012

Phiếm đàm: Outlier trong khoa học và ngoài xã hội

Thứ hai, 02 Tháng 7 2012 10:25


Ở một nơi không xa mà cũng chẳng gần đất nước, đọc những tin tức về cuộc biểu tình ủng hộ luật biển và chống bành trướng của China mà tôi thấy lòng nao nức. Nhưng đọc qua bài tường thuật của Đỗ thi sĩ, trong đó có một đoạn viết về một người văng tục trước khẩu hiệu “Đả đảo China” làm tôi liên tưởng đến hiện tượng outlier trong khoa học thực nghiệm và biết đâu cũng có ý nghĩa trong xã hội …

Bài tường thuật của Thi sĩ Đỗ Trung Quân có đoạn viết như sau:

“Đoàn tuần hành tiến về phía đường Hai Bà Trưng nơi là Tổng lãnh sự quán Trung Quốc thu hồi từ tòa Đại sứ Đài Loan trước 1975. Hàng rào không cho đoàn tuần hành áp sát, đám đông dừng lại dương cao cờ tổ quốc hét "Hoàng sa – Trường sa là của Việt Nam" một anh đứng tuổi đeo cà vạt nóng máu “Đả đảo China.” Tay an ninh chìm còn trẻ đứng bên lề lầm bầm vừa đủ nghe “đả đảo cái con c…”. Lập tức nhiều gương mặt trẻ đứng cạnh quay phắt lại. Nó chuồn vào đám đông mất dạng.”

Thật ngở ngàng! Không thể nào hiểu nổi một người Việt Nam mà có thể nói như vậy. Càng ngở ngàng hơn khi biết luật biển được Quốc hội thông qua với một phiếu chống. Một phiếu duy nhất trong số 496 đại biểu. Ai cũng ngạc nhiên muốn biết người không bỏ phiếu thông qua là ai, người đó có phải là người Việt Nam, và nếu là người Việt Nam thì người đó có bình thường không, tại sao người đó lại có thái độ đi ngược lại nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân tộc? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Nhưng chúng ta cần phải định danh, nên gọi những người này là gì. Trong khi chờ đợi một cái tên thích hợp, tôi nghĩ đến hiện tượng outlier (tiếng Anh đọc là au-lai-ơ).

Trong khoa học thực nghiệm cũng có những hiện tượng như Đỗ thi sĩ mô tả trên, và thường được gọi là outlier observation. Tôi chưa biết dịch outlier sang tiếng Việt là gì cho hợp lí. Có lẽ là giá trị ngoại vi, ngoại lai, ngoại biên. Nhưng dù dịch là gì đi nữa thì ý nghĩa của outlier đã rõ: outlier là một giá trị nằm ngoài phạm vi đo lường mà chúng ta kì vọng bình thường. Chiếu theo định nghĩa này, cũng có thể xem outlier như là giá trị bất bình thường. Chẳng khác gì trong một rừng táo xanh, đột nhiên xuất hiện một trái táo màu đỏ. Hiểu theo nghĩa này, người outlier cũng có thể (chỉ có thể thôi) là bất bình thường, hoặc ngoại lai.



Trong khoa học, outlier có thể là những giá trị cực kì thấp, nhưng cũng có thể cực kì cao. Thấp hoặc cao một cách bất bình thường, ngoài sự kì vọng của chúng ta. Trong xã hội cũng có những outlier là những tài năng xuất chúng trong xã hội, nhưng cũng có những outlier là những kẻ xấu xa, sống bên lề xã hội. Ở đây, chúng ta tạm thời chỉ bàn đến outlier loại thứ hai vì thú vị hơn.

Làm sao chúng ta phát hiện outlier? Trong khoa học, có khá nhiều phương pháp để phát hiện ra giá trị nào là outlier. Phương pháp đơn giản nhất là tìm ra vài thông số chung, và ước tính cự li 99.9% (hay cỡ đó), và xác định giá trị nào nằm ngoài thông số đó thì có thể là outlier. Trong xã hội, có lẽ cách nhận dạng những người outlier đơn giản nhất là trước hết phải xác định chân lí ứng xử, chẳng hạn như lòng yêu nước và chống xâm lăng (giống như thông số trong khoa học). Sau đó, nghe họ nói, đọc qua những gì họ viết, và xem những gì họ làm, rồi đối chiếu lại với chân lí là biết ngay họ là outlier hay không. Nếu 99.9999% người dân Việt yêu nước và xem China là kẻ bành trướng và gây hấn, mà có một người nào đó không suy nghĩ như thế thì quả là outlier vậy. Nhân vật trong bài tường thuật của Đõ thi sĩ rõ ràng là outlier, là bất bình thường.

Trong khoa học, sự hiện diện của các giá trị outlier gây khó chịu và phiền toái cho nhà khoa học. Phiền toái là vì sự hiện diện của chúng có thể làm ảnh hưởng đến kết quả chung của thí nghiệm. Outlier còn gây ảnh hưởng đến kết quả ảo của phân tích, nhất là phân tích các mối tương quan. Chẳng hạn như trong biểu đồ dưới đây, chỉ vì một giá trị nằm ngoài tất cả các giá trị khác, nên gây ra ấn tượng có một mối tương quan dù trong thực tế thì không có mối tương quan đó.


Trong xã hội, những kẻ outlier cũng gây ra phiền toái cho cộng đồng. Sự hiện diện của họ trong cộng đồng cũng giống như ruồi muỗi kiến gián, tuy có thể không gây chết người, nhưng có thể làm ảnh hưởng đến vài người chung quanh. Trong khi người ta đang sôi sục với kẻ thù đang đe dọa mình, mà kẻ outlier lại đứng ngoài thờ ơ, thậm chí còn tung ra những lời bình phẩm bất lợi cho việc chung thì chẳng khác nào là giặc. Giậc nội xâm. Cũng như outlier trong khoa học làm tác động xấu đến mô hình khoa học, sự hiện diện của những kẻ outlier còn gây tác hại đến những mối quan hệ trong xã hội, bởi mọi người đều có thể nghi kị lẫn nhau, không biết ai là thù và ai là bạn. Nhìn như thế mới thấy những kẻ outlier cũng có khi nguy hiểm cho cộng đồng và xã hội.

Người ta phân biệt outlier với các giá trị ảnh hưởng (influential observation). Có những giá trị outlier không gây ảnh hưởng đáng kể đến kết quả thí nghiệm, nhưng có outlier có thể làm cho các thông số trong một mô hình khoa học bị “nhiễu”. Cũng như trong xã hội, có loại người outlier lải nhải chống lại chính nghĩa của dân tộc nhưng chẳng làm hại ai. Tuy nhiên, cũng có loại outlier nắm trong tay quyền lực và vũ khí, và loại này thì có thể có ảnh hưởng nguy hiểm cũng giống như influential observation trong khoa học vậy.

Tại sao có outlier? Có vài lí do giải thích sự xuất hiện của outlier trong nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu lâm sàng, nhưng tựu trung lại lí do kĩ thuật là chủ yếu. Có thể do phương pháp đo lường chưa được chuẩn hóa kĩ lưỡng, nên khi đưa vào ứng dụng thực tế thì cho ra kết quả không nằm trong phạm vi đo lường. Cũng có thể vì kĩ thuật viên khi đo lường không cẩn thận và gây ra kết quả lệch lạc. Cũng có thể do đột biến, nhưng lí do này thì không mấy phổ biến.

Trong xã hội, sự xuất hiện của những kẻ outlier thì chắc có nhiều nguyên nhân hơn là trong khoa học. Vì không phải là người làm về khoa học xã hội, nên tôi không nghĩ ra hết những nguyên nhân, nhưng chỉ tạm đưa ra vài suy đoán chính. Nguyên nhân thứ nhất có thể là do giáo dục. Những kẻ outlier có thể không nhận được sự giáo dục tốt trong nhà trường nên có những suy nghĩ lệch lạc và biểu hiện thành thái độ … vô giáo dục.

Cũng có thể do thiếu giáo dục trong gia đình, nên khi tiếp xúc với cộng đồng, họ có những thái độ và hành vi phản xã hội và phản qui ước đạo đức xã hội. Cũng có thể những kẻ outlier được học hành đàng hoàng và nhận được sự giáo dục gia đình tốt, nhưng khi tiếp xúc với môi trường chung quanh (như một ý thức hệ Nazi hay tương tự) thì cũng có thể trở thành outlier trong cộng đồng dân tộc. Còn một lí do cho sự xuất hiện của outlier nữa: đó là ảnh hưởng của di truyền. Nhiều hành vi con người là do gene quyết định một phần. Do đó, cũng có thể do đột biến gene dẫn đến thái độ ngược ngạo và phản bội dân tộc, phản bội đất nước. Nhưng tôi nghĩ lí do liên quan đến khả năng đột biến gene là rất thấp; đột biến tư tưởng có lẽ cao hơn.

Vấn đề đặt ra là xử lí outlier như thế nào. Trong khoa học có vài phương pháp ứng phó với các giá trị outlier. Phương pháp thứ nhất là hoán chuyển chúng sang một đơn vị khác và phân tích lại xem chúng có ảnh hưởng đến kết quả chung. Chẳng hạn như nếu đơn vị đo lường gốc là mmol/L thì chúng ta có thể hoán chuyển sang đơn vị logarít trước khi phân tích. Phương pháp thứ hai là sử dụng các thuật toán phân tinh vi để ước tính thông số của mô hình. Phương pháp thứ ba là khử bỏ chúng (còn gọi là winsorizing) và phân tích lại. Thật ra, còn vài phương pháp khác nữa, nhưng nói chung 3 phương pháp trên thường rất có hiệu quả.

Cách xử lí trong khoa học cũng có thể áp dụng cho đối phó với những kẻ outlier trong xã hội. Cách thứ nhất là “hoán chuyển” họ, tức là thuyết phục họ từ những người outlier trở thành những người gần gũi hơn với cộng đồng dân tộc. Ông bà ta có câu quay lại là bờ. Tương ứng với phương pháp xử lí thứ hai trong khoa học có lẽ là can thiệp bằng giáo dục. Tức là giáo dục họ về những qui tắc đạo đức xã hội, kể cả lòng yêu nước. Phải cho họ biết, lòng yêu nước là rất thiêng liêng với người Việt Nam.

Phải giáo dục họ là giữa chúng ta có thể khác nhau về ý thức hệ, nhưng kẻ nào không yêu nước thì kẻ đó phải được gọi như là phản bội. Phương pháp thứ ba (khử bỏ), nhưng phương pháp này chỉ có thể ứng dụng trong khoa học chứ trong xã hội thì chắc không thực tế. Thay vì khử bỏ họ, có lẽ nên cho họ một nơi biệt lập nào đó để sinh sống quãng đời còn lại. Nếu họ có nguyên quán đâu đó ở phương Bắc thì có lẽ nên khuyến khích họ về đó mà sinh sống.

Outlier là một thực tế trong khoa học mà chúng ta ít khi nào xóa bỏ được. Tương tự, trong bất cứ xã hội nào, cộng đồng nào, và thời điểm nào, cũng có vài kẻ có thái độ và hành vi outlier. Vấn đề đặt ra không phải là tránh hay trừ khử outlier, mà là nhận diện và ứng phó với outlier một cách logic và tình nghĩa. Outlier trong khoa học là đề tài nghiên cứu"nóng" hiện nay (đã có vài cuốn sách về outlier); chúng ta rất cần nghiên cứu hiện tượng outlier trong xã hội như Đỗ thi sĩ mô tả, và tôi nghĩ kết quả sẽ rất có ích cho việc bảo tồn lòng yêu nước và tự trọng dân tộc.




Một tấm hình đẹp. Khi nhóm trí thức băng qua quảng trường Công xã Paris, thì công an chặn lại yêu cầu ông André Menras nộp tấm biểu ngữ “CHINA GO HOME – THE WORLD HATES PIRATS! Không 1 “chữ vàng”, không 1 “cái tốt” với kẻ ăn cướp! RESPECT INTERNATIONAL LAW! RESPECT THE VIETNAMESE PEOPLE!SOUTHASEANSEAIS NOT YOURLAKE! GO BACK TO HAINAN!”. Nguồn: bauxitvn

Nguồn: Nguyễn văn Tuấn

1 tháng 7, 2012

Trung Quốc mời thầu là khiêu khích

Việc Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN là hành vi chưa từng có tiền lệ và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Ngày 21-6, trang mạng của Bộ Dân chính Trung Quốc thông báo việc Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Đã từ lâu, ít nhất là từ thế kỷ 17, các nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền, tiến hành quản lý, khai thác hòa bình liên tục hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi nó chưa thuộc về lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào.


Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong ảnh: trẻ em vui chơi trên đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: Tuổi trẻ

Các chứng cứ pháp lý lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện đang được lưu giữ không chỉ ở các cơ quan lưu trữ của Việt Nam, mà còn đang được lưu giữ ở trung tâm lưu trữ của các nước như Pháp, Mỹ, Nhật, Hà Lan, Anh...

Không có căn cứ lịch sử, pháp lý

Giải thích cho thông báo về quyết định sai trái của phía Trung Quốc, người phát ngôn của Bộ Dân chính Trung Quốc cho rằng “Trung Quốc là người phát hiện và đặt tên sớm nhất cho các quần đảo này”.

Cách giải thích này hoàn toàn trái với các quy định của luật pháp quốc tế. Nếu theo cách nghĩ của phía Trung Quốc thì có lẽ lãnh thổ của các nước sớm có nền hàng hải phát triển như Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha... sẽ trải khắp thế giới vì có biết bao hòn đảo trên các đại dương đã được những thương thuyền của các quốc gia này phát hiện và đặt tên cho nó.

Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Tại sao phía Trung Quốc không đưa ra những căn cứ cụ thể để chứng minh cho lời phát biểu của người phát ngôn Bộ Dân chính Trung Quốc? Câu trả lời rất đơn giản là phía Trung Quốc hoàn toàn không có những căn cứ pháp lý, căn cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sử sách các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều khẳng định cương vực của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, các bản đồ của Trung Quốc cho đến tận đời nhà Thanh cũng chỉ vẽ điểm cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam chứ không gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung Quốc thường viện dẫn việc đô đốc Lý Chuẩn đổ bộ chớp nhoáng lên quần đảo Hoàng Sa năm 1907 để chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc”, nhưng khi đó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các nhà nước Việt Nam quản lý, khai thác từ hàng trăm năm trước.
Vi phạm luật pháp quốc tế

Theo luật pháp quốc tế, một vùng lãnh thổ được coi là thuộc về một quốc gia khi quốc gia đó thực hiện quản lý, khai thác hòa bình, liên tục trong thời gian dài. Năm 1956, Trung Quốc chiếm một số đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa và năm 1974 chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực.

Năm 1988, Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ lực để đánh chiếm vài bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hiệp Quốc, bị cộng đồng quốc tế lên án.

Qua những phân tích trên, càng thấy rõ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” của phía Trung Quốc là hoàn toàn sai trái và không có giá trị pháp lý.

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rõ ràng, không chỉ được ghi nhận trong các tài liệu pháp lý lịch sử mà còn được thừa nhận ở một hội nghị quốc tế hết sức quan trọng bàn về vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Hội nghị San Francisco năm 1951 khi đại diện của Việt Nam đã khẳng định mạnh mẽ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Một điều đáng nói là cùng với việc đưa lên mạng quyết định sai trái về việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, một số cơ quan báo chí và các trang mạng của Trung Quốc còn đăng ý kiến phát biểu của một vài tướng lĩnh Trung Quốc kêu gọi quân sự hóa “Tam Sa”, “trên các đảo của Tam Sa chỗ nào đóng quân được thì đóng quân”! Với những lời lẽ đó, phải chăng họ đang muốn triển khai kế hoạch biến các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam thành các căn cứ quân sự của Trung Quốc?

Gần đây, Trung Quốc ra sức tuyên truyền chủ trương “trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc” và “ngoại giao hòa thuận với các nước láng giềng”. Nhưng những lời lẽ và việc làm trên thực tế đó của phía Trung Quốc có thể hiện đúng “chủ trương nhất quán” đó của Trung Quốc hay không?

Vi phạm chủ quyền Việt Nam

Một số tờ báo của Trung Quốc còn cho biết kế hoạch thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ lâu và Trung Quốc đã chọn thời điểm này để đưa ra công khai nhằm “trả đũa Việt Nam thông qua Luật biển”.

Với cách tiếp cận đó, phải chăng cái gọi là “thành phố Tam Sa” là một con bài thủ sẵn để tung ra đối phó với các nước láng giềng chứ hoàn toàn không có căn cứ pháp lý lịch sử?

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam và đã được các nhà nước Việt Nam thành lập các đơn vị quản lý hành chính từ lâu.

Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố DOC ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, gây bức xúc và phẫn nộ trong nhân dân Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam và UBND thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Khánh Hòa và nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhân dân Việt Nam đã có những tuyên bố kiên quyết phản đối hành động sai trái của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ các quyết định phi pháp này.

Là láng giềng gần gũi, tin rằng những người Trung Quốc chính trực thấy được lẽ phải, không để những lời nói và việc làm tổn hại đến tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc, cùng nhau vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc Việt - Trung.

Anh Thu – Theo báo Tuổi trẻ




Chiến lược độc chiếm biển Đông

Việc Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu khai thác dầu khí tại vùng biển của Việt Nam là một phần trong chiến lược độc chiếm biển Đông của Bắc Kinh.

Chiến lược biển Đông của Trung Quốc từ trước đến nay luôn là dùng thủ đoạn để biến vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp. Sau đó, Bắc Kinh tìm cách biến vùng biển tranh chấp thành vùng biển của Trung Quốc. Động thái của CNOOC chỉ là một trong số nhiều hành vi của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền một cách phi pháp nhằm hiện thực hóa âm mưu độc chiếm toàn bộ biển Đông theo bản đồ “đường lưỡi bò”.

Cần phải khẳng định rằng hành vi của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)... Việc CNOOC mời thầu cũng đi ngược lại tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc năm 2011 về việc cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp hoặc mở rộng thêm tranh chấp. Có thể thấy Trung Quốc đã nói một đàng làm một nẻo.

Việc các công ty dầu khí nước ngoài có tham gia đấu thầu theo lời mời của CNOOC hay không phụ thuộc vào phản ứng của Việt Nam. Chúng ta cần công khai lên án hành vi sai trái, vi phạm pháp luật của Trung Quốc lên các diễn đàn quốc tế, các định chế quốc tế và Liên Hiệp Quốc. Chúng ta phải khẳng định với bạn bè thế giới rằng hành vi của
Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Chúng ta phải nhấn mạnh rằng các công ty nước ngoài nếu muốn đến khai thác dầu khí trên lãnh hải Việt Nam cần phải nhận được lời mời của Chính phủ và công ty Việt Nam, chứ không phải là của một quốc gia khác. Trước quan điểm rõ ràng đó, các công ty nước ngoài chắc chắn sẽ hiểu rõ bản chất vụ việc và phải suy tính kỹ càng trước khi quyết định.

Nếu Việt Nam chỉ phản ứng trực tiếp với Trung Quốc mà không phản ứng một cách mạnh mẽ ra cộng đồng quốc tế, có khả năng các công ty nước ngoài sẽ đáp ứng lời mời của CNOOC. Và chính quyền Bắc Kinh cũng có thể sẽ triển khai lực lượng đến vùng biển của Việt Nam để hiện thực hóa cái gọi là chủ quyền của họ.

Thiếu tướng LÊ VĂN CƯƠNG (nguyên viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an) – Tuổi trẻ




Hội Dầu khí VN kêu gọi công ty quốc tế không dự thầu

Ngày 29-6, Hội Dầu khí VN đã ra tuyên bố về việc Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (TQ - CNOOC) công bố mời thầu chín lô dầu khí hợp tác thăm dò khai thác trong năm 2012 với các công ty nước ngoài. Lên án và phản đối hành động sai luật và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền VN, Hội Dầu khí VN đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không tham gia dự thầu.

“Hội Dầu khí VN luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân và những người làm dầu khí hai nước VN - TQ trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần giữ gìn hòa bình và an ninh trong khu vực” - tuyên bố của hội nêu. Đồng thời, Hội Dầu khí VN bày tỏ sự hoan nghênh CNOOC và các công ty dầu khí của TQ cũng như các công ty dầu khí quốc tế khác tham gia hợp tác trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN, phù hợp với luật pháp VN, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Về phần mình, hội cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của VN ủng hộ và bảo đảm để các hoạt động hợp tác này được triển khai thuận lợi.

Hương Giang – Tuổi trẻ




Trung Quốc mời thầu là khiêu khích

Việc Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN là hành vi chưa từng có tiền lệ và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Đó là khu đặc quyền kinh tế của VN, luật pháp quốc tế công nhận. Có thông tin rằng một phe phái chính trị nào đó, có thể quân đội Trung Quốc hoặc Bộ Ngoại giao, đã dùng CNOOC làm bình phong để phản ứng việc VN thông qua Luật biển.

Báo cáo của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) khẳng định nguyên nhân căng thẳng biển Đông là do sự chia rẽ ngay trong nội bộ chính quyền Trung Quốc, bởi Bắc Kinh có quá nhiều cơ quan quản lý các vấn đề về biển. Chính sách của Trung Quốc ở biển Đông là quá ngang ngược và thiếu cơ sở luật pháp. Do đó dẫn tới sự nghi kỵ và làm tăng nguy cơ bất ổn. Qua đó, Trung Quốc trở nên cô lập trong khu vực và trên thế giới.
Mỹ lo ngại nếu các bên không giải quyết tranh chấp một cách hòa bình mà bằng hành vi cưỡng ép, bạo lực, tranh chấp sẽ đe dọa tự do hàng hải. Tôi cho rằng đó là hành vi tấn công trực tiếp vào lợi ích nước Mỹ.

TNS Joe Lieberman – Tuổi trẻ
Nguồn: Việt Nam Net